Giới thiệu về cây Anh túc
Tên gọi
Tên thường gọi: Anh tử xác, A phiến, Phù dung, cây thuốc phiện, cây nàng tiên, Mễ xác, Oanh túc xác, Túc xác (Hoà Hán Dược Khảo), Giới tử xác, Ngự mễ xác (Y Học Khải Nguyên), Nha phiến yên quả quả (Trung Dược Chí),…
Tên tiếng Anh: Opium poppy
Tên khoa học: Fructus paraveris Deseminatus
Họ: Thuốc phiện (Papaveraceae)
Đặc điểm
Mô tả: Anh túc xác là quả của cây Thuốc phiện. Cây có quả nang hình cầu hay hình trụ, dài tầm 4~7cm, đường kính 3~6cm. Quả Anh tử xác khi chín có màu vàng xám, cuống phình to, đỉnh quả còn núm. Bên trong quả cây thuốc phiện có nhiều hạt nhỏ giống hình thận, phía trên bề mặt có vân hình mạng màu xám đen hoặc xám trắng.
Khi chín, trên mặt quả có các vết ngang hoặc dọc tùy theo cách lấy nhựa, mỗi vết khoảng 3~4 đường.
Tính vị: vị chua, đắng, hơi chát, tính bình, có độc
Phân bố, bộ phận sử dụng
Vị trí địa lý
Cây Anh túc xác có nguồn gốc từ Ấn Độ, Hy Lạp và vài nước khác ở Trung Á. Đây là loài cây ưa sống ở vùng cao. Trước đây ở nước ta tại các vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu,… loài cây này cũng được trồng khá phổ biến. Tuy nhiên về sau do đặc tính gây nghiện và tác hại mà nó mang lại với sức khỏe nên Chính phủ đã cấm trồng cho đến ngày nay..
Bộ phận dùng: Thu hoạch quả của cây sau khi lấy nhựa và hạt.
Thành phần hóa học
Theo Trung Dược Học: trong Anh túc xác có chứa Morphin, Codein, Thebain, Narcotin, Narcotolin, Cedoheptulose, D’Mannoheptulose, Myoinositol, Erythritol, Sanguinarin, Norsanguinarin, Cholin, Cryptopl, Protopine.
Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Trong Anh túc xác có Narcotoline, Sedoheptulose, D-Mannoheptulose, Myoinositol, Erythritol, Sanguinarine, Norsanguinarine, Cryptoplne ().
Công dụng của cây Anh túc xác
Theo Đông y, cây Anh túc xác có công dụng
Cố thu chính khí (Y Học Khải Nguyên).
Thu liễm Phế khí, chỉ khái, chỉ thấu, cầm không cho đại trường ra máu, cầm tiêu chảy lâu ngày, cầm xích bạch lỵ (Trấn Nam Bản Thảo).
Cầm tiêu chảy, kiết lỵ, cầm không cho ruột hư thoát, liễm Phế, sáp trường. Trị di tinh, ho lâu ngày, tim đau, bụng đau, các khớp xương đau (Bản Thảo Cương Mục).
Nướng mật có tác dụng giảm ho; Nướng dấm có tác dụng trị lỵ (Bản Kinh Phùng Nguyên).
Trị lỵ lâu ngày mà suy yếu, ruột xuất huyết, thoát giang, bụng đau, lưng đau, đới hạ, ho mạn tính, lao phổi, ho ra máu, suyễn (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược)
Cố thận. Trị di tinh (Bản Thảo Tùng Tân).
Theo Y học hiện đại, cây A phiến có tác dụng
Tác dụng giảm đau: Morphin là 1 chất giảm đau cực mạnh. Nó tạo cảm giác tê mê, sảng khoái, từ đó làm dịu cơn đau. Ngoài Morphin, Codein cũng được xem là chất giảm đau tuy nhiên tác dụng chỉ bằng 1/4 của Morphin.
Tác dụng thôi miên: Morphin và Codein đều có tác dụng thôi miên nhẹ (gây buồn ngủ).
Đối với hệ hô hấp: Morphin có thể gây ức chế mạnh cho hệ hô hấp. Dấu hiệu của việc dùng quá liều là gây ra khó thở, thở nhanh, thở dốc và có thể làm ngưng hô hấp. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều thấp, morphin giúp ức chế các cơn đau, giảm ho. (Chất Codein cũng có tác dụng trị ho giúp long đờm và thường được sử dụng phổ biến hơn do ít tác dụng phụ)
Chú ý: Liều sử dụng trên hô hấp của Morphin phải nhỏ hơn liều giảm đau để tránh suy hô hấp.
Đối với hệ tuần hoàn: Hoạt chất Morphin có khả năng làm giãn mạch ngoại vi, giải phóng Histamin. Đó là nguyên nhân dễ dẫn đến huyết áp thấp. Do đó những bệnh nhân thường mệt mỏi do thiếu máu nên cẩn trọng khi sử dụng.
Đối với vết vị trường: Sử dụng Morphin liều thấp làm tăng trương lực và giảm sự thúc đẩy co cơ trong thành ruột, từ đó dễ gây bón do (có thể dùng điều trị bệnh tiêu chảy). Ngoài ra, nó gia tăng sức ép trong ống mật, gây hiện tượng ói mửa, bụng đau, cơn đau mật.
Đối với hệ sinh dục niệu: Morphin gia tăng trương lực nơi đường tiểu và cơ bàng quang.
Liều lượng và cách sử dụng
Liều lượng
Dùng từ 3~6g/ngày.
Cách chế biến và sử dụng
Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, hoặc tán thành bột làm hoàn, viên.
Các bài thuốc chữa bệnh bằng Anh túc xác
Chữa ho lâu ngày
Nguyên liệu: Anh túc xác
Cách làm: bỏ gân, nướng mật, tán bột. Mỗi lần uống 2g với nước pha mật (Thế Y Đắc Hiệu Phương).
Trị lao, suyễn, ho lâu năm, mồ hôi tự ra
Nguyên liệu: 100g Anh túc xác.
Cách làm: bỏ đế và màng, đem sao với giấm, lấy 1 nửa. Lấy 20g Ô mai. Tất cả tán bột. Mỗi lần uống 8g khi đi ngủ (Tiểu Bách Lao Tán Tuyên Minh Phương).
Trị thủy tả không cầm
Nguyên liệu: 1 cái Anh túc xác, 10 cái, Đại táo nhục, 10 cái Ô mai nhục
Cách làm: sắc với 1 chén nước còn 7 phân, uống ấm (Kinh Nghiệm Phương).
Trị lỵ
Nguyên liệu: Anh túc xác, Hậu phác
Cách làm: Bỏ núm trên và dưới của Anh túc xác, sau đó đập dập, nướng với mật cho hơi đỏ. Còn Hậu phác bỏ vỏ, ngâm nước cốt gừng 1 đêm, nướng. Tất cả 2 vị tán thành bột.
Dùng 8~12g với nước cơm (Bách Trung Tán – Bách Nhất Tuyển Phương).
Trị lỵ lâu ngày
Nguyên liệu: Anh túc xác
Cách làm 1: nướng với dấm, tán bột, trộn với mật làm hoàn. Ngày uống 6~8g
với nước sắc gừng ấm (Bản Thảo Cương Mục).
Cách làm 2: Anh túc xác 400g, bỏ màng, chia làm 3 phần: 1 phần sao với dấm, 1 phần sao với mật, 1 phần để sống. Tán bột, trộn với mật làm hoàn. Ngày uống 8~12g với nước cơm (Y Học Nhập Môn).
Trị trẻ nhỏ bị xích bạch lỵ
Nguyên liệu: Anh túc xác 20g. Binh lang 20g.
Cách làm: Anh túc xác mang đi sao với giấm, tán nhỏ, lấy chảo đồng sao qua. Còn Binh lang mang đi sao đỏ, nghiền nhỏ. Xích lỵ uống với mật ong, bạch lỵ uống với nang đường (Toàn Ấu Tâm Giám Phương).
Trị trẻ nhỏ bị thổ tả, không muốn ăn uống, bạch lỵ
Nguyên liệu: Anh túc xác, Trần bì, Kha tử, tất cả đều 40g. Còn Sa nhân, Chích thảo mỗi thứ 8g. Tán bột.
Cách làm: Sao Anh túc xác và Trần bì. Còn Kha tử nướng, bỏ hạt. Sa nhân và Chích thảo rửa sạch, phơi ráo. Mang tất cả tán thành bột. Mỗi ngày uống từ 8~12g với nước cơm (Anh Túc Tán – Phổ Tế Phương).
Những lưu ý khi dùng cây Anh túc
Những đối tượng không nên dùng A phiến
Người mới bị lỵ hoặc mới ho (Trấn Nam Bản Thảo).
Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi
Người suy yếu, chân khí suy mà có thực tà
Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú
Người già gan và thận suy (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Người bị táo bón, huyết áp thấp
Thận trọng khi dùng
Anh túc xác là chất có khả năng gây nghiện, nếu không được dùng đúng cách sẽ gây ra ngộ độc và nhiều tác hại nguy hiểm. Do đó, nó thường chỉ được sử dụng trong Y học cho những trường hợp bệnh nghiêm trọng, như ung thư cần giảm đau.
Lưu ý:
Việc sử dụng và điều trị bằng Anh túc xác cần được chỉ định, theo dõi từ bác sĩ, thầy thuốc uy tín có trình độ chuyên môn cao về khả năng chữa bệnh bằng dược liệu.
Bệnh nhân cần cân nhắc giữa lợi ích và tác hại của A phiến khi sử dụng điều trị.
Trên đây là một số thông tin tham khảo dựa trên các tài liệu y học về dược liệu Anh túc xác. Để sử dụng dược liệu đúng cách, người bệnh cần chủ động liên hệ và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền hoặc những người có trình độ chuyên môn cao về khả năng chữa bệnh của dược liệu.
Refer:
https://en.wikipedia.org/wiki/Papaver_somniferum
https://www.europeana.eu/en/exhibitions/magical-mystical-and-medicinal/opium-poppy