1. Giới thiệu về An Nam tử
1.1 Tên gọi
- Tên thường gọi: Cây Lười ươi, Đười ươi, Cây Ươi, Cây thạch.
- Tên Hán – Việt: Bàng đại hải, An Nam tử (Cương Mục Thập Di), Hồ đại hải (Tục Danh), Đại hải tử (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Tên khoa học: Sterclia lyhnophora Hance hoặc Sahium lychnporum (Hance) Kost.
1.2 Mô tả
Nguồn gốc: Đây là loại cây có xuất xứ từ nước ta. Trước đây do người Trung Quốc gọi Việt Nam là An Nam, còn “tử” được hiểu là hạt.
Đặc điểm: Cây lớn, cao khoảng 20-25cm, cành có góc, lúc non có lông màu hung, về sau nhẵn. Lá mọc tập trung đỉnh cành, lá to dày, nguyên hay sẻ ra 3-5 thùy dạng bàn tay. Lá non có màu nâu tím, lá già rụng vào mùa khô. Cuống lá to, nhăn. Hoa nhỏ, quả nặng, bên ngoài màu đỏ, bên trong màu bạc. Hạt An Nam to bằng ngón tay, có hình bầu dục hay thuôn, dính ở gốc quả. Cây ra hoa từ tháng 1 đến tháng 3, có quả tháng 6-8.
Phân biệt dễ nhầm lẫn: Một số tài liệu nói An Nam tử là hạt của cây Trái xuống (Sterculia scapphigela Wall), cùng họ với cây trên. Hạt này khi ngâm vào nước cüng có chất nhầy và nở ra như hạt Đười ươi, tuy nhiên ít thấy ở nước ta. Ở các nước khác vẫn dùng thay cho An Nam tử. Thường dùng bằng cách cho 4~5 hạt vào 1 lít nước nóng thì sẽ có nước sền sệt giống thạch và trộn đường vào uống.Với đặc tính mát nên hạt thường được sử dụng để giải khát, trị ho khan không có đờm, viêm niệu đạo, đau họng.
Tính vị:
Vị ngọt đậm, không độc (Trung Dược Học).
Vị đậm, ngọt, tính mát (Đông Dược Học Thiết Yếu).
1.3 Phân bố, thu hoạch và chế biến
Được trồng nhiều ở Trảng bom, Tây Ninh, Biên Hòa, Bình Định, Bà Rịa, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị.
Hạt An Nam tử ở Việt Nam được đánh giá là loại có chất lượng tốt nhất.
Phần dùng làm thuốc: Dùng hạt.
Thời gian thu hái, sơ chế: Thu hoạch vào tháng 4-5, phơi hay sấy khô. Hạt sau khi sấy sẽ có màu nâu.
1.4 Thành phần hóa học
Hạt Lười ươi (hạt ươi) gồm có hai phần chính: Phần nhân chiếm khoảng 35% và phần vỏ chiếm khoảng 65%.
An Nam tử (hạt ươi) chứa pentosan và các chất nhớt thuộc axit pectinic, chủ yếu bao gồm axit galacturonic, arabinose và axit axetic galactose.
Vỏ của hạt ươi chứa dầu và chất nhầy. dễ bay hơi. Nhân của hạt có chứa nhiều axit béo, vị cay và chất đắng. Lớp ngoài bên ngoài hạt cũng chứa chất nhầy, bassorin. Riêng phần vỏ chứa 15,06% galactose và 24,7% pentose (chủ yếu là arabinose).
Phần đường trong hạt chủ yếu galactoza, pentoza và arabinoza.
2. Công dụng của An Nam tử
Theo Y học cổ truyền, hạt lười ươi có tính mát và nhuận, làm uất hỏa, tán bế (theo Trung Dược Học) và giúp thanh phế nhiệt, làm trong tiếng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Còn theo dân gian, hạt lười ươi có vị ngọt nhẹ, tính hàn, có tác dụng giải nhiệt, nhuận tràng, đào thải độc tố. Người bị ho khan, viêm họng, nhiệt miệng, sốt, đại tiện ra máu, chảy máu cam,… có thể dùng hạt lười ươi ngâm nước uống để điều trị.
3. Liều dùng và cách dùng An Nam tử
3.1 Liều dùng
Mỗi ngày, trung bình có thể dùng từ 2~3 đến 5~6 trái.
3.2 Cách dùng
Sau khi lấy hạt, ngâm nước, hạt sẽ nở to gấp 8-10 lần thể tích ban đầu, thành một chất nhầy màu nâu, nhạt trong, vị hơi chát và mát.
Người ta cũng thường dùng hạt đười ươi làm thức uống giải khát. Gốc cuống lá và vỏ trong của hạt, khi ngâm nước sẽ cho ra nhiều chất nhầy, có thể để thêm đường vào làm thạch giải khát rất thanh mát.
Riêng lá non cây lười ươi có thể nấu canh ăn rất mát.
Hạt đười ươi còn được biết đến là thuốc chữa các chứng bệnh đường ruột và các bệnh về đường đại tiện (nhuận tràng) rất tốt..
4. Những bài thuốc được chữa trị bằng An nam tử
Trị khàn tiếng, mất tiếng, ho không long đờm
Bàng đại hải, 2 trái,
ngâm với nước sôi, uống thay nước trà (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Trị ho đau họng, chảy máu cam hoặc sinh nội nhiệt (nóng trong người)
Dùng 3 hạt ươi nấu với nước sôi cho đến khi cô đặc rồi thêm 15ml mật ong vào uống. Dùng hỗn hợp thuốc 3 – 5 ngày sẽ giúp đẩy lùi triệu chứng khó chịu do bệnh gây nên.
Điều trị chảy máu cam ở trẻ em
Sử dụng 2 – 5 hạt đười ươi đã sao vàng đem nấu lấy nước. Sau đó uống từ 2 – 3 ngày sẽ khỏi bệnh.
Chữa viêm họng, viêm amidan cấp tính
Dùng hạt đười ươi, Mạch môn đông, Bản lam căn mỗi vị 5g cùng với 3g Cam thảo. Đem các nguyên liệu trên hãm cùng với nước sôi và sử dụng thay cho nước trà. Dùng khi bệnh tình dần được cải tiến.
Dùng 5g hạt ươi, 16g Kim ngân hoa (khô) 4g Bồ công anh, 2g Bạc hà và 1g Cam thảo. Đem các nguyên liệu trên rửa sạch với nước để loại bỏ bụi bẩn rồi đem hãm với nước sôi và sử dụng như nước trà. Dùng thuốc mỗi ngày đến khi bệnh tình dần được thuyên giảm.
5. Một số lưu ý và kiêng kỵ khi dùng An nam tử
An nam tử (hạt lười ươi) chỉ nên sử dụng mỗi ngày 2~5 hạt. Tuyệt đối không nên sử dụng quá liều trong thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, không nên sử dụng những bài thuốc từ hạt ươi cho các đối tượng sau:
- Người dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu này
- Phế bị phong hàn hoặc có đờm: không dùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Người bị viêm đại tràng mãn tính gây lạnh bụng, tiêu chảy
- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú
Lưu ý: chỉ nên sử dụng hạt đười ươi theo hướng dẫn từ thầy thuốc có uy tín, chuyên môn cao (không nên tự ý sử dụng hạt quá liều).